Aceclofenac là thuốc gì?
Aceclofenac là thuốc giảm đau, kháng viêm thường chỉ định trong điều trị đau lưng, đau răng, đau do gặp phải các chấn thương, các cơn đau do bệnh lý cơ xương khớp.
Thuốc Aceclofenac ngăn chặn sự sản sinh Prostaglandin, chất này được giải phóng ở chỗ bị thương, tổn thương mô hay các phản ứng miễn dịch. Prostaglandin có vai trò quan trọng trong cả phản ứng viêm của cơ thể và kích thích sự tái hấp thu của xương.
Chỉ định
Aceclofenac được chỉ định trong giảm đau và giảm viêm trong viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.
Chống chỉ định
Aceclofenac chống chỉ định với những đối tượng sau:
- Người mẫn cảm với thuốc Aceclofenac hay bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Người có tiền sử bị loét tiêu hóa tiến triển hoặc nghi ngờ loét hay xuất huyết tiêu hóa;
- Dị ứng với nhóm kháng sinh NSAID
- Bệnh nhân từng có phản ứng quá mẫn với ibuprofen, aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.
- Suy gan và suy thận
- Bệnh nhân suy tim sung huyết, bệnh tim thiếu máu cục bộ,bệnh động mạch ngoại vi
- Rối loạn đông máu
- Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ
Cách dùng thuốc Aceclofenac
- Thuốc Aceclofenac STADA 100mg được bào chế ở dạng viên nén bao phim và được dùng bằng đường uống.
- Uống nguyên viên thuốc với đủ lượng nước.
- Uống thuốc trong hoặc sau khi ăn.
Liều dùng
Đối tượng là người lớn:
Liều khuyến cáo của bác sĩ là 200mg mỗi ngày.
Nên chia làm 2 lần uống, 100mg/ 1 lần
Thời điểm dùng thuốc: 1 viên vào buổi sáng và 1 viên uống vào buổi tối.
Đối tượng là trẻ em:
Vẫn chưa có chỉ định nào về việc sử dụng Aceclofenac ở trẻ em.
Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em < 18 tuổi.
Người cao tuổi
Khả năng phân bố, chuyển hóa, hấp thu và thải trừ của Aceclofenac không thay đổi ở bệnh nhân cao tuổi.
Không cần phải thay đổi liều hoặc tần số liều dùng.
Đối với bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan:
Liều Aceclofenac cho những bệnh nhân suy gan.
Liều dùng là 100mg/ngày
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp của Aceclofenac
- Khó tiêu, đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy
- Choáng váng;
- Tăng men gan
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Aceclofenac
- Đầy hơi, loét miệng, viêm dạ dày, táo bón, nôn;
- Ngứa, nổi mề đay, phát ban hay viêm da;
- Tăng urê huyết và creatinin huyết;
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Aceclofenac
- Thiếu máu
- Phản ứng phản vệ, quá mẫn
- Rối loạn thị giác
- Khó thở
- Phân đen
- Phù mặt
Quá liều
Nếu bạn uống quá liều thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng bao gồm nhức đầu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, kích ứng đường tiêu hóa, hiếm khi tiêu chảy, mất phương hướng, hôn mê hay buồn ngủ, chóng mặt, ù tai, hạ huyết áp, suy hô hấp, ngất và thỉnh thoảng co giật. Trong trường hợp ngộ độc thuốc có thể dẫn đến suy thận cấp và tổn thương gan.
Dùng than hoạt tính hoặc rửa dạ dày trong vòng 1 giờ ngay sau khi uống quá liều để giảm tối đa lượng thuốc hấp thu vào tuần hoàn chung.
Quên liều
Nếu quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Tương tác thuốc
Thuốc Aceclofenac có thể tương tác với các loại thuốc sau khi sử dụng:
Tránh dùng Aceclofenac với thuốc NSAID khác vì có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ;
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Thuốc Aceclofenac làm giảm tác dụng chống làm tăng huyết áp của các thuốc này;
Thuốc lợi tiểu, Cyclosporin hay Tacrolimus: Aceclofenac có thể làm tăng nguy cơ độc tính trên thận;
Glycosid tim: Thuốc Aceclofenac có thể làm tăng nồng độ glycosid trong huyết tương và gây nên trầm trọng bệnh suy tim, làm giảm tốc độ lọc cầu thận;
Lithi:thuốc Aceclofenac làm giảm thải trừ Lithi;
Methotrexate: Thận trọng khi sử dụng thuốc Aceclofenac và thuốc Methotrexate trong vòng 24 giờ vì Aceclofenac có thể làm tăng nồng độ Methotrexat trong huyết tương, dẫn đến có thể làm tăng độc tính;
Mifepriston: Không nên dùng Aceclofenac trong khoảng 8 – 12 ngày sau khi dùng Mifepriston vì thuốc Aceclofenac có thể làm giảm tác dụng của Mifepriston;
Corticosteroids: Sử dụng thuốc Aceclofenac cùng Corticosteroids có khả năng làm tăng nguy cơ loét hoặc xuất huyết tiêu hóa;
Thuốc chống đông: Thuốc Aceclofenac làm tăng tác dụng của thuốc chống đông;
Kháng sinh nhóm Quinolon: Thuốc Aceclofenac làm tăng nguy cơ co giật khi kết hợp với kháng sinh nhóm Quinolon;
Tác nhân kháng tiểu cầu và các thuốc ức chế chọn lọc thu hồi Serotonin khi sử dụng cùng Aceclofenac sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
Zidovudin sử dụng cùng thuốc Aceclofenac làm tăng độc tính huyết học.
Thuốc điều trị đái tháo đường: Khi sử dụng Aceclofenac, bạn nên cân nhắc để điều chỉnh liều dùng của các thuốc làm giảm đường huyết.
Cách bảo quản
Bạn cần bảo quản thuốc Aceclofenac đúng cách để đảm bảo tác dụng điều trị của thuốc.
- Bảo quản thuốc Aceclofenac ở nhiệt độ phòng,
- Tránh độ ẩm cao và ánh nắng trực tiếp.
- Không để thuốc trong tầm tay của trẻ nhỏ hay thú nuôi.
Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Aceclofenac đã có dấu hiệu ẩm mốc, biến chất, hư hỏng hoặc hết hạn. Xử lý đúng cách theo hướng dẫn trên bao bì để không làm ảnh hưởng tới môi trường.
Lưu ý
Thận trọng khi sử dụng vì có thể gây nguy cơ xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng loét đường tiêu hóa, nôn ra máu và phân đen thường xảy ra nặng hơn trên người cao tuổi. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong thời gian điều trị, có thể có hoặc không có các dấu hiệu báo trước hoặc đã từng bị trước đó.
Phải theo dõi thật chặt chẽ ở bệnh nhân suy chức năng gan nghiêm trọng.
Đối với bệnh nhân suy thận nhẹ hay suy tim và bệnh nhân cao tuổi cần được theo dõi cẩn thận, vì thuốc NSAID có thể gây suy giảm chức năng ở thận. Vì vậy, cần sử dụng thuốc với liều thấp nhất để có hiệu quả và thường xuyên theo dõi chức năng của thận.
Lưu ý, việc sử dụng thuốc Aceclofenac cho những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa Porphyrin ở gan có thể gây kích hoạt cơn bệnh.
Cần dùng thuốc Aceclofenac một cách cẩn thận cho bệnh nhân đã từng bị bệnh suy tim hoặc tăng huyết áp vì chứng phù nề được báo cáo có liên quan tới việc sử dụng NSAID.
Thuốc Aceclofenac có thể gây suy giảm khả năng sinh sản và không khuyến nghị dùng cho phụ nữ đang dự định có thai. Cần cân nhắc ngừng tạm thời thuốc cho những phụ nữ khó thụ thai hoặc đang được can thiệp vấn đề hiếm muộn.
Đối với các bệnh nhân đang mắc hoặc đã từng mắc bệnh hen phế quản vì thuốc NSAID: có thể gây co thắt phế quản ở bệnh nhân này.