Hiện nay viêm cổ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa rất thường gặp. Tại Việt Nam, có tới 33% phụ nữ mắc bệnh này, trong số đó có khoảng 40% đã bị biến chứng nặng chuyển thành viêm loét cổ tử cung mãn tính dễ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả bệnh viêm cổ tử cung là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé!
1, Viêm cổ tử cung là gì?
Viêm cổ tử cung còn gọi là tình trạng sưng, viêm, lở loét ở cổ tử cung do các tác nhân gây bệnh như nhiễm khuẩn, nấm hoặc bị ký sinh trùng. Bệnh hiện được chia làm hai loại là viêm cổ tử cung cấp tính và viêm cổ tử cung mãn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính nếu tái phát nhiều lần hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh viêm cổ tử cung mãn tính.
Bệnh viêm cổ tử cung có triệu chứng khá giống với viêm âm đạo nên thường bị nhầm lẫn giữa 2 bệnh này: biểu hiện thông thường là ra huyết trắng đục, có mùi khó chịu, ngứa, xuất huyết âm đạo, hoặc có cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân của bệnh lý viêm cổ tử cung thường là do nhiễm vi khuẩn.
Hiện nay, Viêm cổ tử cung là loại bệnh lý không khó chữa, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể làm giảm chức năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, tăng khả năng mắc các loại bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, nhiễm Chlamydia,…hoặc thậm chí là nhiễm HIV.
2, Nguyên nhân gây bệnh – Đối tượng hay mắc viêm tử cung
Nguyên nhân gây bệnh viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung do nhiễm trùng
Các trường hợp bệnh nhân bị viêm cổ tử cung nặng thường là do nhiễm trùng thông qua hoạt động tình dục thiếu an toàn. Các nguyên nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể gây ra bệnh viêm cổ tử cung như:
- Bệnh lậu
- Bệnh Chlamydia
- Bệnh mụn rộp sinh dục
- Trichomonas
- Vi khuẩn Mycoplasma và ureaplasma
Viêm cổ tử cung không do nhiễm trùng
Tuy nhiên cũng có những phụ nữ bị viêm cổ tử cung nhưng xét nghiệm âm tính với bất kỳ loại nhiễm trùng nào. Các nguyên nhân gây viêm cổ tử cung khác có thể bao gồm:
- Bệnh nhân bị dị ứng với hóa chất có trong chất diệt tinh trùng, trong dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc cao su latex có trong bao cao su.
- Bệnh nhân bị kích ứng hoặc chấn thương khi sử dụng băng vệ sinh tampon, các viên đặt âm đạo hoặc từ các dụng cụ tránh thai màng ngăn âm đạo.
- Bệnh nhân bị mất cân bằng vi khuẩn; các vi khuẩn bình thường, khỏe mạnh trong âm đạo bị thay thế bởi các vi khuẩn không lành mạnh hoặc có hại. Điều này cũng có thể được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn.
- Bệnh nhân bị mất cân bằng hóc môn; có lượng estrogen tương đối thấp hoặc progesterone cao có thể cản trở khả năng duy trì một mô cổ tử cung khỏe mạnh.
- Bệnh nhân bị ung thư hoặc đang điều trị ung thư có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể dẫn đến bị viêm cổ tử cung.
Các đối tượng hay mắc viêm cổ tử cung
Bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị viêm cổ tử cung cao hơn người khác nếu:
- Bệnh nhân có hành vi tình dục nguy cơ cao, như quan hệ tình dục không lành mạnh, không được bảo vệ, quan hệ tình dục với nhiều đối tác khác nhau hoặc quan hệ tình dục với những người có hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
- Những người quan hệ tình dục quá sớm
- Bệnh nhân có tiền sử nhiễm bệnh lây qua đường tình dục
3, Triệu chứng – biến chứng bệnh viêm cổ tử cung
Triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung
Thông thường, bệnh viêm cổ tử cung không có dấu hiệu và triệu chứng cụ thể, và chỉ vô tình phát hiện ra khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ hoặc do các bệnh khác mới phải đi khám bệnh. Nếu có các thì dấu hiệu và triệu chứng của viêm cổ tử cung bao gồm:
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều bất thường
- Bị đau khi giao hợp, quan hệ tình dục
- Bị chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt
- Bị chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Các biến chứng của viêm cổ tử cung
Đối với người khỏe mạnh cổ tử cung hoạt động như một rào cản, lá chắn để ngăn ngừa vi khuẩn và vi rút xâm nhập sâu vào tử cung. Khi cổ tử cung bị nhiễm trùng, bị bệnh, nguy cơ mắc các nhiễm trùng khác ở tử cung tăng lên.
Viêm cổ tử cung do bệnh lậu hoặc chlamydia có thể lan đến niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng, dẫn đến bị viêm vùng chậu (PID), hoặc nhiễm trùng cơ quan sinh sản có thể gây ra các vấn đề về sinh sản nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Ngoài ra bệnh viêm cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ phụ nữ bị nhiễm HIV từ bạn tình đã bị nhiễm bệnh.
4, Cách phòng tránh bệnh viêm tử cung
Để giảm nguy cơ viêm cổ tử cung do nhiễm trùng lây qua đường tình dục, nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Bao cao su rất có hiệu quả chống lại các bệnh lây qua đường tình dục.
5, Phác đồ điều trị viêm tử cung hiệu quả
Thông thường bạn sẽ không cần phải điều trị viêm cổ tử cung nếu nguyên nhân là do phản ứng dị ứng với các loại sản phẩm như thuốc diệt tinh trùng hoặc các sản phẩm vệ sinh phụ nữ thông thường. Nếu bác sĩ tìm ra nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung là do bị nhiễm trùng thì mục tiêu chính của điều trị là loại bỏ nhiễm trùng và ngăn nó lây lan sang khu vực tử cung và ống dẫn trứng, hoặc nếu bệnh nhân đang mang thai, thì giúp bảo vệ em bé.Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ có thể kê đơn thuốc như sau:
Phác đồ 1:
- Kháng sinh: Zinnat 500mg, ngày uống 2 viên/ 2 lần
- Chống viêm: Alpha Choay, ngày uống 4 viên/ 2 lần
- Viên đặt âm đạo: Neo-Tergynan đặt ngày 1 viên vào buổi tối
Phác đồ 2:
- Kháng sinh: Cefixim 200mg, ngày uống 2 viên/ 2 lần
- Chống viêm: alphachymotrypsin, ngày uống 4 viên/ 2 lần
- Viên đặt âm đạo: Neomycin, ngày đặt 1 viên vào buổi tối
Trên đây là 2 phác đồ điều trị viêm âm đạo tham khảo bằng thuốc. Để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, bạn nên thăm khám và tuân theo chỉ định dùng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật của bác sĩ.