Viêm gan A có nguy hiểm không, nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả

Nếu như bệnh viêm gan B và C thường gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thì nhiễm trùng viêm gan A không gây ra các chứng bệnh gan mạn tính. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh vẫn tiến triển nặng gây ra các triệu chứng suy nhược, suy gan cấp tính hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Viêm gan A là một trong những loại viêm gan siêu vi rất phổ biến trên thế giới, có tỷ lệ mắc cao ở nước đang phát triển như nước ta. Vậy làm sao để phòng ngừa và điều trị viêm gan A hiệu quả. Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé!

1, Bệnh viêm gan A là gì?

Viêm gan A hay còn gọi là viêm gan siêu vi A (HAV) là căn bệnh do virus viêm gan A gây nên. Đây là một trong một số các loại virus viêm gan có khả năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động gan. Người bệnh bị nhiễm viêm gan A có thể bị giảm vai trò gan và có một số dấu hiệu điển hình như: chán ăn, bị sốt nhẹ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau cơ, ngứa, bị vàng da, vàng mắt, đau bụng hoặc đau tức, khó chịu ở các vùng bụng trên bên phải, bên dưới xương sườn, và nước tiểu sẫm màu.

2, Nguyên nhân gây bệnh viêm gan A và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan A

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan A là do virus viêm gan A xâm nhập vào tế bào gan và gây viêm. Thông thường bệnh viêm gan A có liên quan chặt chẽ đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường sống. Theo bác sĩ chuyên khoa cho rằng, virus gây bệnh viêm gan A có thể sống hàng tháng trong các môi trường ô nhiễm, do đó, các khu vực có điều kiện vệ sinh và thực hành vệ sinh kém thì sẽ có tỷ lệ người mắc virus viêm gan A là rất cao.

Con đường lây truyền virus viêm gan A

Thông thường virus viêm gan A sẽ lây truyền qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), tức là bệnh nhân ăn phải thức ăn hoặc sử dụng nước uống có chứa virus sẽ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, virus viêm gan A cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần gũi (quan hệ tình dục qua đường miệng-hậu môn) với những người bị nhiễm bệnh. Cụ thể, trong một số trường hợp có thể làm lây lan virus như sau:

  • Ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người chế biến bị nhiễm virus viêm gan A nhưng không tuân thủ quy trình vệ sinh chạm tay vào thức ăn có thể sẽ lây bệnh cho người ăn phải.
  • Những người hay ăn sống các loại động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…) từ các nguồn nước bị ô nhiễm
  • Những người sử dụng nguồn nước bị nhiễm virus viêm gan A
  • Những người ăn chung, dùng chung các đồ dùng cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn, và bàn chải đánh răng …) với những người mắc bệnh viêm gan A.
  • Những người quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm virus.

Ngoài ra, virus viêm gan A cũng có thể lây truyền qua đường máu, tuy nhiên khả năng lây lan bệnh theo cách này là rất thấp vì có rất ít virus viêm gan A tồn tại ở trong máu người bệnh.

Những đối tượng dễ mắc bệnh viêm gan A

Virus viêm gan A rất dễ lây lan, bất kỳ người nào chưa được tiêm phòng viêm gan A đều có thể bị nhiễm bệnh. Đối tượng mắc bệnh viêm gan A thường gặp nhất là trẻ em 5 – 14 tuổi. Một số những đối tượng dễ mắc bệnh có thể kể đến như sau:

  • Những người sinh sống, làm việc hoặc đang đi du lịch tại các khu vực có tỷ lệ người bị mắc bệnh viêm gan A cao.
  • Những người làm nghề giữ trẻ hoặc làm việc tại các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng dễ bị lây bệnh.
  • Người thân sống cùng nhà với người bệnh viêm gan A.
  • Những người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích cũng dễ mắc bệnh.
  • Những người bị bệnh suy giảm miễn dịch như nhiễm Virus HIV cũng dễ bị viêm gan A.
  • Những người thường xuyên có quan hệ tình dục không bảo vệ, đặc biệt là những người có phát sinh quan hệ đồng tính nam. 
  • Những người bị mắc chứng rối loạn đông máu.

Trên đây là nhóm các đối tượng dễ bị mắc bệnh, tuy nhiên bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ trên không đồng nghĩa với việc không thể bị nhiễm bệnh. Nếu mắc bệnh bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để chữa trị kịp thời. Mặc dù viêm gan A không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh vẫn cần phải thăm khám để bác sĩ loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn.

3, Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan A

Triệu chứng phổ biến thường gặp của bệnh viêm gan A

Là bệnh phổ biến nên một số người có thể bị nhiễm virus viêm gan A mà không hề có triệu chứng. Trẻ nhỏ thường có biểu hiện nhẹ, trong khi đó biểu hiện ở người lớn và thanh niên thường nặng hơn. Người bệnh sau khi nhiễm virus sẽ mất khoảng 2 – 3 tuần sẽ phát các triệu chứng ra bên ngoài. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và hay bị nhầm là nhiễm cúm đường ruột. Các triệu chứng nhiễm Virus viêm gan A hay gặp bao gồm:

  • Mệt mỏi: Đây là biểu hiện xuất hiện đầu tiên khi bệnh nhân bị mắc viêm gan A, khi đó gan sẽ hoạt động kém hơn, các chất độc có hại sẽ giữ lại trong cơ thể làm cho toàn thân có cảm giác bị mệt mỏi, khó chịu trong người.
  • Rối loạn tiêu hóa: Gan cũng tham gia tích cực vào quá trình tiêu hóa thức ăn nên khi bị nhiễm virus viêm gan A thì vai trò này sẽ giảm đi đáng kể, khi đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu bệnh ở đường tiêu hóa như: chán ăn, buồn nôn, bị nôn, đau bụng nhẹ ở vùng bên phải xương sườn, tiêu chảy, hoặc bị táo bón….
  • Sốt nhẹ: Khi cơ thể bị viêm ở bất kỳ bộ phận nào thì lượng bạch cầu sẽ được điều động tăng cao để chống lại các tác nhân xâm nhập gây bệnh, nếu sốt thường xuyên, theo giờ giấc cố định thì nên kiểm tra bác sĩ xem mình có đang bị viêm gan A  không.
  • Biểu hiện ngoài da: Chất độc giữ lại ở trong gan sẽ phát ra ngoài thông qua các biểu hiện như ngứa da, và mụn nhọt. Một số dấu hiệu khác là lượng albumin tăng cao trong gan sẽ làm cho da có màu vàng nhạt hoặc đậm hơn tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Nước tiểu có màu vàng: Lượng albumin có trong gan cũng được đào thải qua thận, nên khi quan sát thấy nước tiểu thường xuyên có màu vàng đậm thì nên kiểm tra xem có mắc bệnh hay không. 
  • Đau cơ, khớp: Triệu chứng này thường ít gặp hơn, chỉ có khoảng 10% người mắc phải bệnh viêm gan A là gặp phải triệu chứng này, dấu hiệu này sẽ cho biết bệnh của bạn đã chuyển biến tới giai đoạn muộn, và dễ bị mãn tính.

Viêm gan A cấp tính thường sẽ gặp trên bệnh nhân có tiền sử bệnh gan mãn tính hoặc ở những người cao tuổi. Diễn biến của suy gan biểu hiện rầm rộ, đột ngột và nặng nề, đòi hỏi phải có sự chăm sóc y tế cao. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể được yêu cầu được ghép gan để chữa bệnh.

Người bị viêm gan A có thể lây lan sang người khác rất dễ kể từ 2 tuần lễ trước khi họ có triệu chứng bệnh cho đến 1 tuần lễ sau khi họ bị vàng da biểu hiện ra bên ngoài. Viêm gan A không dẫn tới các tình trạng mang bệnh mãn tính và một khi người bị bệnh bình phục, họ sẽ có được miễn dịch cả đời đối với bệnh này.

Việc phát hiện viêm gan A sẽ qua thăm khám, xét nghiệm máu. Bệnh nhân có thể uống thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống và điều trị tại nhà được. Chỉ có một số trường hợp phải nhập viện do diễn biến nặng. 

Biến chứng của bệnh viêm gan A

Mặc dù viêm gan A sẽ rất hiếm gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng không phải là không xuất hiện, đặc biệt thông thường người lớn tuổi sẽ có những biểu hiện năng hơn. Một số trường hợp có thể bị suy gan hoặc cần phải được ghép gan. 

  • Suy gan: Tình trạng này sẽ hay xả ra ở những người lớn tuổi, đã từng mắc một bệnh lý liên quan đến gan, có thể trạng miễn dịch yếu. 
  • Hội chứng Guillain Barre xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công vào hệ thống thần kinh. Điều này gây ra các tình trạng như yếu cơ, thậm chí là tê liệt. Người bệnh cần phải được điều trị tích cực trong bệnh viện để giảm bớt các triệu chứng và giúp phục hồi nhanh hơn. Bệnh nhân sẽ nhận được liệu pháp immunoglobulin liều cao và hỗn hợp protein được cung cấp thông qua IV để tăng cường hệ thống miễn dịch hiệu quả.
  • Viêm tụy: là tình trạng xảy ra ở tuyến tụy – một tuyến giúp tiêu hóa thức ăn và kiểm soát lượng đường trong máu, sẽ bị viêm. Bệnh nhân có thể sẽ phải ngừng ăn trong một vài ngày để cho tuyến tụy nghỉ ngơi và phục hồi. Nếu người bệnh có nguy cơ bị mất nước thì cần phải đến bệnh viện để truyền dịch. 

Nếu bác sĩ cảm thấy gan không hoạt động tốt, người bệnh có thể sẽ phải nhập viện để theo dõi xem gan hoạt động như thế nào. Trong trường hợp bị bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân đó cần phải ghép gan. 

Hầu hết bệnh nhân bị viêm gan A sẽ phục hồi chức năng gan trong vòng 2 tháng. Sau khi hồi phục, người bệnh đó sẽ có được miễn dịch cho đến hết đời.

4, Cách phòng tránh bệnh viêm gan A

Cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan A chính là tiêm phòng vắc xin viêm gan A. Vắc xin viêm gan A thông thường sẽ được tiêm hai mũi. Mũi thứ hai được tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi đầu từ 6 – 12 tháng. Vắc xin được khuyến nghị cho các đối tượng như sau:

  • Tất cả trẻ em từ 1 tuổi trở lên có thể tiêm
  • Người lớn có nguy cơ cao bị nhiễm viêm gan A như:
    • Làm việc hoặc đi du lịch ở những nơi có tỷ lệ người bị viêm gan A cao
    • Trong gia đình đã có người nhiễm viêm gan A
    • Nhân viên phòng thí nghiệm thường xuyên phải tiếp xúc với virus viêm gan siêu vi A
    • Những đối tượng đang làm các công việc có nguy cơ phơi nhiễm cao như: cô nuôi dạy trẻ, hộ lý, y tá, và nhân viên xử lý nước thải…
    • Người có các vấn đề về sức khỏe làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như rối loạn đông máu, mắc bệnh gan mãn tính, bao gồm cả viêm gan B hoặc bị viêm gan C
    • Những người sử dụng ma túy trái phép
    • Những người đồng tính nam hoặc lưỡng tính.

Ngoài ra, để hạn chế khả năng lây nhiễm viêm gan A, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp như sau:

  • Rửa và vệ sinh tay kỹ bằng xà phòng và nước ấm trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh
  • Ăn chín, uống sôi, và hạn chế ăn ngoài
  • Tự gọt vỏ và rửa sạch tất cả các loại trái cây và rau củ quả tươi trước khi ăn.

5, Phác đồ điều trị bệnh viêm gan A

Trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm viêm gan A, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và hồi phục trong một hoặc hai tháng mà không có thiệt hại lâu dài. Bạn có thể điều trị bằng thuốc tại nhà theo phác đồ điều trị như sau:

  • Thuốc bảo vệ màng tế bào gan: BDD 25mg uống 1 viên/ lần
  • Thuốc tăng cường chuyển hóa: Fortex uống 1 viên/ lần
  • Thuốc chống gốc tự do: L- Gluthathion 500mg uống 1 viên/ lần
  • Thuốc lợi mật (khi BN có vàng da): Artikoche uống 1 thìa cà phê 1 lần
  • Thuốc lợi tiểu (khi BN tiểu ít): Verospiron 25mg uống 1 viên/ lần
  • Uống thuốc sau ăn.
  • Giữ chế độ chăm sóc sức khỏe không uống rượu bia, chất kích thích. 

Để khỏi bệnh hoàn toàn, bệnh nhân nên kết hợp giữa chế độ ăn uống và dùng thuốc điều trị phù hợp. Mặc dù đa phần bệnh là lành tính và dễ chữa, tuy nhiên để tránh các biến chứng nguy hiểm bạn nên thực hiện dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Tags:

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ riêng tư.